Trang Chính

  Dược Vị

  Toa Thuốc

  Diễn Đàn

  Đăng Nhập

  Đăng Ký

Diễn đàn >> Kiến Thức Phổ Thông >> Các thầy cho em hỏi: nhiệt thịnh và hoả vượng có giống nhau không

<< Đăng Chủ Đề Mới >>
Các thầy cho em hỏi: nhiệt thịnh và hoả vượng có giống nhau không - posted by VienChi (Hội Viên)
on August , 20 2014
Chào các thầy và các bạn,
Em thường nghe nói bị nhiệt thịnh, có lúc lại nghe là bị hoả vượng. Vậy nhiệt thịnh và hoả vượng có giống nhau không?
Thân ái,
VienChi
 
Replied by Sinh Sinh Tử (Hội Viên)
on 2014-08-20 21:13:42.0
Chào VienChi.
Tôi thấy trong sách nói "tĩnh là nhiệt, động là hỏa".
Ví dụ:
- Can hỏa: Vì tính của hỏa là bốc lên, chứng trạng thường gặp là đau đầu, trướng căng, mặt nóng mặt đỏ, đắng miệng mắt đỏ, tai ù.
- Can nhiệt phần nhiều chỉ các chứng phiền muộn, khô miệng, chân tay phát nhiệt, tiểu tiện vàng đỏ, chứ không có hiện tượng xung kích nghịch lên trên.
Tóm lại: Tính chất của Can nhiệt và Can hỏa giống nhau, ý nghĩa khác nhau, chỗ khác nhau là ở chỗ mức độ.
 
Reply with a quote
Replied by VienChi (Hội Viên)
on 2014-08-21 06:24:19.0
Cám ơn Yêu Hoàng đã giải thích. Cho mình hỏi thêm, như vậy cách điều trị cơ bản có giống nhau không?
 
Reply with a quote
Replied by Sinh Sinh Tử (Hội Viên)
on 2014-08-22 08:38:37.0
Tôi nghĩ bạn có thể đọc sách phần viết về thanh pháp (một trong bát pháp) để hiểu thêm về các phương pháp thoái nhiệt.
 
Reply with a quote
Replied by luanle (Hội Viên)
on 2014-08-25 05:37:20.0
@VienChi:
Sau đây là vài chi tiết có liên quan do tôi sưu tầm trên mạng.
Nhiệt và hỏa thường dùng lẫn lộn vì nhiệt và hỏa có những bệnh chứng giống nhau như: cảm thấy nóng, khát, mặt đỏ, nước tiểu vàng, mạch nhanh và lưỡi đỏ với rêu vàng.
Nhưng nhiệt và hỏa cũng có các triệu chứng khác nhau như: bệnh thuộc hỏa thì nóng hơn và thuộc về lý, còn bệnh về nhiệt thì thuộc biểu. Bệnh thuộc hỏa thì lưỡi màu đỏ đậm, rêu lưỡi dầy khô màu thay đổi từ vàng sậm đến màu nâu hay đen.

Vì có các điểm khác nhau như thế cho nên cách trị hỏa và nhiệt cũng khác nhau:
Bệnh về nhiệt thì có thể dùng thuốc tả ra ngoài da với các vị cay hàn (pungent cold) như thạch cao, lô căn, trúc diệp trong các thang Bạch hổ thang, Trúc diệp thạch cao thang. Trong khi bệnh về hỏa thì dùng các vị khổ hàn (bitter cold) như đại hoàng, long đởm, hoàng cầm, hoàng liên, để tả hỏa đi xuống (bằng đại tiện, tiểu tiện) trong các thang: Long đởm tả can thang, Hoàng liên giải độc thang, Tam hoàng tả tâm thang.

Xin nói thêm những gì tôi hiểu về Hỏa và Nhiệt.
Như chúng ta đã biết, Hỏa có thể ví như lửa, còn Nhiệt là hơi nóng từ lửa phát ra.
Cũng thế, Thủy có thể ví như nước, và Hàn là hơi lạnh từ Thủy phát ra.
Liên hệ vào bên trong cơ thể thì Hỏa là tướng hỏa, là dương khí của cơ tạng, còn Thủy là huyết, là âm khí của cơ tạng.
Nếu cơ thể khỏe mạnh, thủy hỏa quân bình thì cơ thể ấm áp. Nhưng nếu Thủy Hỏa bất hòa thì sẽ thể hiện triệu chứng hàn nhiệt: Hỏa khí, dương khí bất hòa sinh ra nhiệt, còn thủy khí, âm khí bất hòa sẽ sinh ra hàn.
Ví dụ nếu cơ thể bị nhiễm phong hàn tà làm cho bế tắt kinh mạch, thì cơ thể sẽ sinh ra nhiệt như sốt cao, hoặc sinh ra hàn làm cho rét run, tay chân lạnh.
Vì triệu chứng hàn và nhiệt thuộc về biểu, nên khi trị bệnh, muốn trị hàn hoặc nhiệt có thể dùng thuốc công trục mạnh để tả nhiệt, khu hàn. Nhưng nếu muốn trị cho thủy hỏa, âm dương lập lại quân bình thì phải dùng thuốc tư âm để liễm dương khi âm hư; còn nếu dương hư thì phải bồi bổ dương khí để quân bình với âm huyết. Chứ không nên dùng thuốc trục tả mạnh bạo để quân bình Thủy Hỏa, sẽ làm tổn hại cho cơ thể, khiến cho bệnh nặng hơn.

Tóm tắt, vì con người sống nhờ Dương (Hỏa) mà chết vì Nhiệt, cho nên khi bị triệu chứng nhiệt thì có thể dùng thuốc giải mạnh để giải nhiệt tà. Nhưng khi dùng thuốc để quân bình Thủy Hỏa thì cần phải cẩn thận kẻo tổn hại đến sinh khí.
 
Reply with a quote
Replied by PhoHVB (Hội Viên)
on 2014-08-26 09:16:50.0
Chào thầy Luanle và mọi người,
Câu hỏi của Vienchi rất hay. Thầy Luanle và bạn Yeu Hoang đã trả lời câu hỏi của Vienchi rồi. Tôi xin đi sâu thêm một chút dựa trên cơ sở của Nội Kinh.

Nhiệt và Hoả là khác nhau, cách chữa trị cũng khác nhau. Vienchi nêu ra câu hỏi này thì chắc là cũng cảm nhận được là nhiệt và hoả là khác nhau. Tuy nhiên nhiệt và hoả đều thuộc về dương nên nhiều khi dễ bị lẫn lộn, kể cả trong nhiều sách Đông y tôi cũng thấy dùng lẫn lộn 2 từ này.

Nội Kinh thiên 66 THIÊN NGUYÊN-KỶ ĐẠI LUẬN có đoạn "THẦN ở Trời là Phong, ở ðất là MỘC ; ở Trời là Nhiệt, ở đất là HOẢ ; ở Trời là Thấp, ở đất là THỔ ; ở Trời là Táo, ở đất là KIM ; ở Trời là Hàn, ở đất là THUỶ... cho nên ở Trời là khí , ở đất thành hình ; Hình, Khí cùng cảm, muôn vật do ñó mà sinh ra." Như vậy nhiệt là khí của trời, Hoả là khí của đất. Khí trời vô hình, khí đất hữu hình, hoàn toàn khác nhau.

Nội Kinh thiên 67 NGŨ VẬN HÀNH ĐẠI LUẬN cũng có đoạn "Nam phương sinh nhiệt, nhiệt sinh ra hành hỏa, hỏa sinh ra vị khổ, khổ sinh ra Tâm, Tâm sinh ra huyết, huyết sinh ra Tỳ. Nó ở trời là nhiệt, ở đất là hỏa". Nếu "nhiệt sinh ra hành hỏa" thì chắc chắn là nhiệt và hỏa là khác nhau rồi. Kinh lại nói "ở trời là nhiệt, ở đất là hỏa" vậy thì nhiệt là khí của trời, hỏa là khí của đất.

Vì nhiệt là khí của trời nên vô hình, khi gây bệnh cũng vô hình. Các triệu chứng của nhiệt như bứt rứt trong người, đạo hãn, rối loạn tiểu tiện, rối loạn đại tiện, đau lưng, nhức mỏi, mất ngủ đều là vô hình. Không ít bệnh nhân bị bệnh khá nặng nhưng khi đi bệnh viện khám nghiệm, tất cả kết quả đều là bình thường đó là vì cái vô hình thì máy móc khám nghiệm chụp chiếu đều không thấy được. Thông thường bệnh do khí vô hình gây ra thì trước và sau khi đi khám nghiệm bệnh nhân vẫn không biết là mình bị bệnh gì.

Hoả là khí hữu hình nên khi gây bệnh thì hại đến hình thể và có thể nhìn thấy được. Các triệu chứng của hoả như cơ thể gầy rộc, mụn nhọt, mụn mặt, vẩy nến, nhiệt miệng, v.v. Ở giai đoạn này nếu đi khám bệnh viện thì kết quả khám nghiệm sẽ chính xác. Nếu bị mụn nhọt thì kết quả khám nghiệm sẽ là mụn nhọt, bị vẩy nến thì kết quả khám nghiệm sẽ là bị vẩy nến. Thông thường bệnh do khí hữu hình gây ra hại đến hình thể và trước khi đi khám, bệnh nhân đã biết mình bị bệnh gì rồi.

Khi âm dương mất quân bình, âm bị suy thì nhiệt sinh. Trong cơ thể khí thiên tiên ngụ ở thận nên các chứng nhiệt thường phát sinh từ thận rồi lan lên can. Đây là cái hỏa của long lôi. Pháp trị là tư âm thanh nhiệt. Các toa bổ âm đều có tính mát nên chỉ cần bổ âm là chế được nhiệt. Nếu không chữa trị đúng thì nhiệt sẽ nặng dần lên và bắt đầu sinh hoả. Vì hoả có tính bốc lên nên các triệu chứng của hoả thường biểu hiện ở phần trên của cơ thể như nhức đầu, đỏ mắt, nhiệt miệng, mụn mặt, v.v. Lúc này hỏa bốc lên trên, âm trơ trọi ở dưới, bệnh nhân thường cảm thấy khô khát nên thích các thức lạnh, âm tà thường thừa cơ xâm nhập. Pháp trị trong giai đoạn này thường là tư âm giáng hoả, dẫn hoả quy nguyên. Nếu vẫn không chữa trị kịp thời thì hoả sẽ bắt đầu bùng phát, các triệu chứng của hoả lúc này sẽ nặng hơn và có thể lan ra toàn thân. Pháp trị trong giai đoạn này thường là thanh nhiệt tả hoả.

Trên đây chỉ là các phương pháp trị liệu nói chung. Biểu hiện bệnh chứng của hàn, nhiệt, thủy, hỏa tương đối phức tạp, rất dễ bị nhầm. Trên lâm sàng cần phải tuỳ theo hư, thực, chân, giả mà tuỳ cơ ứng biến. Ví dụ như chứng nhiệt khởi phát từ thận, vì thận chủ thuỷ nên thuỷ thấp thịnh cũng gây nhiệt, pháp trị lúc này không phải là tư âm mà cần phải trừ thấp. Những người bị hoả nặng, cơ thể gầy rộc do hoả khí thiêu đốt hết âm dịch thì cần phải cứu lấy âm trước nên pháp trị cần kíp bổ âm sinh tân rồi sau đó mới thanh nhiệt tả hoả. Đó là 1 vài kinh nghiệm mà tôi nhận thấy được qua lâm sàng, xin chia xẻ ở đây để các bạn yêu thích Đông y có thể tham khảo và góp ý thêm.

Phó
 
Reply with a quote
Replied by VienChi (Hội Viên)
on 2014-08-27 13:46:39.0
Chào các thầy và các bạn,
Rất cám ơn các thầy và các bạn đã chia xẻ kiến thức và nhiệt tình hướng dẫn.
Vienchi
 
Reply with a quote


<< Trả Lời >>

Nội Quy | Góp Ý | © 2009 - 2022 yhoccotruyen.org