Trang Chính

  Dược Vị

  Toa Thuốc

  Diễn Đàn

  Đăng Nhập

  Đăng Ký

Diễn đàn >> Kiến Thức YHCT >>

<< Đăng Chủ Đề Mới >>
Replied by luanle (Hội Viên)
on 2015-01-17 03:40:43.0
Tôi xin góp ý về câu hỏi của VienChi.
Chúng ta cần biết rằng theo thuyết âm dương thì vũ trụ này có nhiều cảnh giới chứ không phải chỉ có vật chất. Hai cảnh giới thường được nhắc đến đó là cảnh giới vô hình và cảnh giới hữu hình. Phần vô hình cũng được gọi là tiên thiên, phần hữu hình là hậu thiên. Trong cảnh giới tiên thiên có cấu trúc âm dương rất vi tế. Trong cảnh giới hậu thiên vật chất cũng có cấu trúc âm dương nhưng cụ thể hơn, ít tinh tế hơn.

Xin lấy một ví dụ cho rỏ. Trong cơ thể chúng ta có cấu trúc tiên thiên vô hình là hai mạch Nhâm Đốc. Mạch Nhâm là âm tiên thiên, mạch Đốc là dương tiên thiên. Còn âm dương hậu thiên trong cơ thể là: khí (dương) huyết (âm), và âm dương trong từng ngũ hành như: dương mộc, âm mộc, dương kim âm kim, dương hỏa âm hỏa, âm thủy dương thủy, âm thổ dương thổ. Đông y học nghiên cứu về âm dương hậu thiên nhiều hơn là âm dương tiên thiên. Âm dương tiên thiên rất tinh tế, khó hiểu khó học, khó nghiên cứu với khoa học thực nghiệm.

Nếu phân biệt được như vậy rồi, thì chúng ta nhận ra rằng khi nói về Đạo là nói về phần tiên thiên chứ không phải phần hậu thiên:
- Vì vậy câu "Nhất âm nhất dương chi vị đạo", nếu nói về bên trong cơ thể, là ám chỉ Nhâm mạch và Đốc mạch.
- Hoặc khi nói 'hành đạo' tức là làm bất cứ cái gì như hành pháp, lời nói tư tưởng, hành động,... nhằm mục tiêu lập lại quân bình âm dương tiên thiên.
- Đạo pháp là những cách thức, hướng dẫn để lập lại quân bình âm dương tiên thiên. Còn một điều nữa liên hệ đến đạo pháp là định luật: 'Âm dương phải làm chủ ngũ hành' chứ không phải ngược lại, đó là luật trời. Nhưng trong thế giới hậu thiên, cõi thế gian, thì chính ngũ hành lại làm chủ âm dương! Do đó mà trong thế giới hậu thiên vật chất này có đủ loại tham sân si và đau khổ phát sinh. Khi con người thực hiện được âm dương làm chủ ngũ hành thì tiến lên cảnh giới đạt đạo, giải thoát.
- Các vị tiền bối cũng có nói đến một câu khác: "Tiên thiên Đạo, hậu thiên thuật". Khi áp dụng câu này vào đông y thì có thể hiểu rằng 'y đạo' là cái học, hiểu và hành y để lập lại quân bình âm dương tiên thiên; còn 'y thuật' là cái học hiểu và hành y để lập lại quân bình âm dương hậu thiên.

Để trả lời câu hỏi cuối cùng, thì theo tôi, tôi nghĩ rằng chữ đạo trong học thuyết âm dương và đạo của tôn giáo có liên quan với nhau. Bằng chứng là Thiên chúa giáo lấy biểu tượng thánh giá là một biểu tượng khác về âm dương, hoặc đạo Phật lấy biểu tượng chữ vạn, cũng là một biểu tượng khác về âm dương.
 
Reply with a quote
Replied by VienChi (Hội Viên)
on 2015-01-18 13:31:44.0
Rất cám ơn những lời giải thích rất rõ ràng của thầy Luanle. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng đọc và nghiền ngẫm thêm 1 thời gian nữa xem có ngộ được không.
 
Reply with a quote
Replied by PhoHVB (Hội Viên)
on 2015-01-23 11:54:13.0
Chào VienChi,
"Nhất âm nhất dương chi vị đạo" (一陰一陽之謂道 - yī yīn yī yáng zhī wèi dào) câu này xuất phát từ chương V hệ từ thượng truyện (Dịch Lý). Nguyên câu là "Nhất âm nhất dương chi vị đạo, kế chi giả thiện dã, thành chi giả tính dã (一陰一陽之謂道, 繼之者善也, 成之者性也 - yī yīn yī yáng zhī wèi dào, jì zhī zhě shàn yě, chéng zhī zhě xìng yě). Tạm dịch là "một âm một dương gọi là Đạo, Đạo ấy khi phát ra 1 cách tự nhiên thì tốt lành, thực hành nó là hợp với tính của con người". Chữ Đạo (道) có nghĩa là cách thức, đường lối, phương pháp. Khi hai khí âm dương tác động lẫn nhau sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự hình thành và chuyển hóa của sự vật, đó là cách thức của tự nhiên, nguyên lý này gọi là Đạo. Đạo chính là tự nhiên, là vũ trụ, ở đây là phương pháp điều dưỡng tinh thần khí huyết. Đạo pháp là phương pháp tập luyện, điều chỉnh cơ thể để hòa hợp với quy luật của tự nhiên, đó là dưỡng sinh chi đạo (養生之道- yǎng shēng zhī dào) đạo (phương pháp) dưỡng sinh. Cái gọi là thành Đạo chính là chỉ học thành Đạo pháp. Muốn hiểu được âm dương (Đạo) thì phải bỏ qua hết những gì rườm rà, phức tạp, trở về với trạng thái tự nhiên nhất, sơ khai nhất mới có thể hiểu và ứng dụng được âm dương và đó cũng là trạng thái tối cao của Đạo pháp. Trạng thái sơ khai đó chính là hư vô, là vô cực, là Không. Nội kinh thiên Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận có đoạn: "Bậc thánh nhân làm cái việc vô vi, vui cái vui diềm đạm, thuận dục khoái chí ở trong phạm vi hư vô, cho nên thọ mệnh vô cùng, sống chung với trời đất." Thánh nhân là những người hiểu thấu phương pháp điều dưỡng tinh thần, khí huyết và sống hòa hợp với quy luật của tự nhiên nên bảo toàn được khí Tiên Thiên, đó là những người đã học thành Đạo pháp.

Dịch học cho rằng vạn vật bắt đầu từ Vô Cực (trạng thái hư vô, Thái hư 太虚, không có gì cả), rồi mới sinh ra Thái Cực (nguồn gốc của vạn vật), rồi sinh ra Lưỡng Nghi, rồi Tứ Tượng, rồi Bát Quái. Bát Quái tức vũ trụ, đó là bắt đầu của thế giới vật chất. Như vậy từ vô hình tới hữu hình, sự thay đổi càng trở nên đa dạng, phức tạp.
Vô cực -> Thái Cực -> Lưỡng Nghi -> Tứ Tượng -> Bát Quái (ngũ hành)

Cái Đạo của âm dương không liên quan gì đến tôn giáo cả. Nhưng hầu hết các tôn giáo bắt nguồn từ Á châu đều ít nhiều theo học thuyết âm dương vì mục đích của các tôn giáo là hòa bình, là giải thoát. Nhìn vào đồ biểu của âm dương và ngũ hành (còn gọi là Vô Cực Đồ), chúng ta thấy càng gần với vật chất thì sự phân chia thì càng phức tạp, càng có sinh có khắc. Muốn hòa bình, muốn giải thoát thì phải xa lánh cám dỗ của vật chất, xa lánh dục vọng thì cái tâm mới tĩnh được. Xa rời vật chất, trở lại với đời sống vô tư hơn, tĩnh lặng hơn cũng chính là tìm về với trạng thái hư không. Thuyết Không của Phật giáo rất gần với học thuyết âm dương vì vậy Phật giáo được tiếp nhận dễ dàng ở các quốc gia Á Châu.

Âm dương là vô hình, nó không có hình tướng mà chỉ là tính chất của mọi hiện tượng, sự vật. Âm dương không phải là vật chất, không có hữu hình nên các sách học về Đông y hay ví âm dương với các vật chất hữu hình như nóng là dương lạnh là âm, ngày là dương đêm là âm, cứng là dương mềm là âm, v.v. để người mới học có thể hình dung được. Tới khi người học có thể tách âm dương ra khỏi những cái hữu hình thì mới thực sự hiểu được âm dương. Đây là bước đường khó khăn nhất đối với những người mới học Đông Y.

Sự cân bằng âm dương chỉ là tương đối. Âm dương luôn thay đổi, chuyển hoá lẫn nhau và không bao giờ đứng yên ở trạng thái cân bằng cả. Buổi sáng thì dương thịnh âm suy, buổi tối thì âm thịnh dương suy, nhưng nhìn vào cả 1 chu kỳ ngày đêm thì âm dương được cân bằng. Sự cân bằng này được đánh giá bằng sự chuyển hóa của âm dương. Ví như ta lái 1 chiếc xe đạp vậy, sự cân bằng lúc xe đang chạy chỉ là tương đối, thực ra xe luôn luôn hoặc nghiêng bên này, hoặc nghiêng bên kia. Người lái lúc nào cũng phải bẻ tay lái qua lại để lấy lại cân bằng. Nếu chúng ta khoá tay lái lại không cho bẻ lái nữa thì chiếc xe sẽ lập tức mất cân bằng và đổ ngay. Phải có sự chuyển hóa (dịch) thì mới có cân bằng, đó là nguyên lý của âm dương.

Trên lâm sàng, chúng ta thấy cũng cùng 1 chứng âm hư hỏa vượng mà có lúc cần phải bổ âm có lúc cần phải bổ dương, có lúc phải bổ cả âm dương. Có khi thấy triệu chứng của âm hư nhưng bổ âm lại không đúng. Chữa âm dương không phải chỉ chữa phần âm hoặc phần dương mà là điều chỉnh lại sự biến dịch của âm dương. Âm dương không thể tách rời, bổ âm cũng chính là bổ dương, bổ dương cũng chính là bổ âm. Tùy theo sự biến dịch của âm dương như thế nào mà ứng dụng. Hầu hết bệnh tật đều bắt đầu từ sự rối loạn âm dương (hay còn gọi là rối loạn chức năng). Trong giai đoạn này, chưa có biểu hiện hữu hình nên mặc dù bệnh đã khá nặng (di tinh, mộng tinh, rối loạn tiểu tiện, đau nhức, mỏi mệt, nóng sốt, ớn lạnh, khô khát, v.v.) nhưng nhiều bệnh nhân đi bệnh viện khám, máy móc đều cho kết quả tốt, không tìm ra bệnh. Đó là vì sự rối loạn về chuyển hóa của âm dương là vô hình, máy móc không thể thấy được vậy. Phần nhiều những người mới học rất dễ bị nhầm lẫn khi chuẩn bệnh về âm dương, hễ nhầm lẫn thì bệnh bị biến chứng, càng chữa càng rối. Điều cần nhớ là càng đơn giản, càng tĩnh lặng thì càng hiểu được âm dương. Càng muốn học nhanh, càng háo thắng, càng đốt giai đoạn, càng sử dụng các dụng cụ chuẩn bệnh hiện đại trong chuẩn đoán thì càng khó hiểu.

Chúc Vienchi cũng như các bạn đang nghiên cứu Đông y có thể thành Đạo nhé.

Phó
 
Reply with a quote
Replied by VienChi (Hội Viên)
on 2015-01-26 12:08:59.0
Chào thầy Phó và thầy LuanLe,
Đầu óc tôi đã sáng ra được nhiều. Rất cám ơn sự chia xẻ kiến thức của quý thầy. Thật là hỏi được 1 câu còn hơn đọc sách cả năm. Mong các thầy chia xẻ kiến thức và hướng dẫn nhiều hơn trong chuyên đề Kiến Thức YHCT này.
Kính,
VienChi
 
Reply with a quote
Replied by love (Hội Viên)
on 2015-09-17 12:14:03.0
đông y khó quá ạ.

 
Reply with a quote
Replied by Cương luxury (Hội Viên)
on 2016-05-15 06:37:58.0
Chào mọi người
Sau khi đọc xong bài này mình mới hiểu tại sao khi ăn đồ cay nóng cơ thể sẽ tiết ra mồ hôi là để quân bình lại âm dương. Và khi trời lạnh cơ thể sẽ giảm tiết mồ hôi là như vậy.
Và cũng xin cảm ơn các thầy đã có những bài viết rất bổ ích.
Kính
Cương


 
Reply with a quote
Replied by phuongnh (Hội Viên)
on 2023-02-14 05:32:35.0
Giờ cần lắm các thầy phát triển nền y học cổ truyền!!!
 
Reply with a quote

<< Trang trước 1 2 Trang kế >>

<< Trả Lời >>

Nội Quy | Góp Ý | © 2009 - 2022 yhoccotruyen.org